Phú Thọ: Hành trình gian nan trên con đường xuống cấp

Tuyến đường độc đạo dài hơn 10km nối khu dân cư Xuân Trường (xã Tiên Lương, tỉnh Phú Thọ) với trung tâm xã đã xuống cấp nghiêm trọng suốt nhiều năm.


Tuyến đường xuống cấp trong một thời gian dài khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.


Hàng trăm hộ dân vẫn phải đi về mỗi ngày trên mặt đường lầy lội, trơn trượt – như một hình ảnh trái ngược với mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.

Con đường lầy lội và những nỗi lo không tên


Nằm sâu trong vùng bán sơn địa, khu dân cư Xuân Trường thuộc xã Tiên Lương (Phú Thọ) là nơi sinh sống của gần 200 hộ dân. Dù cách trung tâm xã chỉ hơn chục cây số, cuộc sống của người dân nơi đây dường như bị cô lập bởi chính tuyến đường độc đạo dài hơn 10km, trong đó có khoảng 5km đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua.


Tuyến đường vốn nhỏ hẹp, hiện nay xuất hiện dày đặc ổ voi, ổ gà. Mùa khô, bụi tung mù mịt theo từng bánh xe. Mùa mưa, đoạn đường biến thành một "vũng lầy" dài, trơn trượt đến mức việc đi lại bằng xe máy cũng trở nên nguy hiểm. Những cú ngã bất ngờ, những lần phải dắt xe hàng cây số giữa trời mưa gió không còn là chuyện hiếm. Một người dân sống gần khu vực chia sẻ: "Nhiều hôm trời mưa, tôi đưa cháu đi học mà ngã đến hai lần. Có hôm phải dắt bộ gần ba cây số vì không thể đi được."


Cứ mưa xuống là trở nên lầy lội

Không chỉ ảnh hưởng đến việc học hành, con đường này còn là nỗi ám ảnh với những gia đình có người ốm đau. Trong nhiều tình huống cấp bách, xe cứu thương không thể tiếp cận. Người nhà buộc phải thay nhau cõng bệnh nhân ra tới tận đầu đường lớn – cách nhà gần 3km – giữa bùn đất trơn trượt. "Có lần mấy anh em phải thay nhau cõng bố tôi đi cấp cứu. Trời mưa to, người thì yếu, đường thì lầy, đến nơi thì xe cấp cứu cũng không dám quay lại," anh Nguyễn Văn H., một người dân kể lại.


Đường xuống cấp khiến việc giao thương buôn bán của người dân cũng gặp khó.


Vấn đề giao thông còn kéo theo hệ lụy về sản xuất và đời sống kinh tế. Xuân Trường là vùng đất được bà con từ xã Phùng Xá khai phá lên sinh sống. Nhờ điều kiện đất rừng và đất nông nghiệp thuận lợi, người dân nơi đây trồng nhiều keo, sắn, chè, cây ăn quả – những loại cây vốn là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, đường đi lại khó khăn khiến việc vận chuyển nông sản ra chợ hoặc đến nhà máy gặp nhiều trở ngại. Thương lái ngại vào thu mua, giá cả bị ép xuống thấp, có khi không bán được. Công sức lao động bị đánh đổi bằng sự thiệt thòi không đáng có.

"Đường sá thế này, hàng hóa không đưa ra được, thương lái thì cứ ép giá mãi. Làm ra thì có, nhưng bán không xong, nhiều nhà chán nản," một nông dân chia sẻ trong tiếng thở dài.

Bao giờ có con đường tử tế cho dân?


Người cao tuổi, học sinh, phụ nữ – những đối tượng yếu thế trong cộng đồng – cũng chịu nhiều thiệt thòi. Bà Nguyễn Thị Chỉnh, 80 tuổi, nói trong nỗi ngậm ngùi: "Tôi già rồi, đi lại khó khăn, không dám bước ra đường. Nhiều khi chỉ muốn sang chơi với bà con hay tham gia sinh hoạt với Hội Người cao tuổi mà không dám đi vì sợ trượt ngã. Chúng tôi chỉ mong có con đường sạch đẹp để đi lại an toàn."


Bà Nguyễn Thị Chỉnh 80 tuổi khu Xuân Trường.


Tuyến đường không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà đã trở thành bài toán về công bằng phát triển. Không ít lần, người dân khu Xuân Trường đã kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri, gửi văn bản lên xã mong muốn được hỗ trợ nâng cấp. Nhưng địa phương là xã miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Việc đầu tư hạ tầng vẫn đang phải "liệu cơm gắp mắm", và tuyến đường của Xuân Trường chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu Xuân Trường, thẳng thắn nhìn nhận: "Chúng tôi hiểu rõ nỗi khổ của bà con, nhưng nguồn lực địa phương hạn chế, chỉ có thể sửa chữa tạm thời. Chính quyền xã đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị đưa tuyến đường vào danh mục đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc tìm nguồn xã hội hóa."


Người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền...



Tuy vậy, với địa phương có thu nhập thấp, dân cư phân tán, việc xã hội hóa giao thông là điều không dễ. Trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí cốt lõi, vừa gắn với dân sinh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Nếu để người dân tiếp tục sống trong tình cảnh "tự xoay xở" với con đường trắc trở như hiện tại, mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" sẽ còn là một khoảng cách xa vời.


Nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.


Câu chuyện của Xuân Trường không phải là cá biệt. Trên khắp các vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều những con đường như thế – nơi người dân chờ đợi từng mùa mưa, mùa nắng trôi qua mà không thấy bóng dáng của một kế hoạch đầu tư cụ thể. Việc rà soát, sắp xếp lại các ưu tiên đầu tư, tập trung vào những khu vực đang thực sự bức thiết như Xuân Trường, sẽ là bước đi cần thiết để chính sách phát triển thực sự chạm được tới cuộc sống người dân.

Xuân Hiền (VTV Online)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét